banner

NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP BỆNH HIẾM GẶP – ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG ĐỘNG MẠCH MẠC TREO TRÀNG TRÊN

Thứ tư, 29/04/2020, 14:11 GMT+7

I/ GIỚI THIỆU :

Bệnh lý hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (Superior mesenteric artery syndrome SMA ) là một trong những bệnh lý hiếm gặp và khó chẩn đoán. Theo tài liệu nghiên cứu của Mỹ, tỉ lệ người mắc bệnh này vào khoảng 0.1% - 0.3% và được mô tả lần đầu tiên vào năm 1861 bởi Carl Freiherr von Rokitansky trên tử thi của một nạn nhân, nhưng nó vẫn là bệnh lý không xác định cho đến 1927 khi Wilkie lần đầu tiên công bố hàng loạt trên 75 bệnh nhân và sau này bệnh được biết đến với tên gọi hội chứng Wilkie.

Nguyên nhân phổ biến nhất là giảm góc hình thành bởi động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng, gây chèn ép đoạn DIII của tá tràng. Bình thường động mạch mạc treo tràng trên tạo thành một góc khoảng 45 độ (từ 38 đến 56 độ) với động mạch chủ bụng và đoạn DIII của tá tràng đi qua gốc của động mạch mạc treo tràng trên, chạy giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ. Bởi vậy, khi góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ khoảng 6 đến 25 độ thì có thể tạo ra một “cái bẫy” kẹp và nén đoạn DIII tá tràng, dẫn đến hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Khoảng cách giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên ngắn lại, khoảng cách bình thường là từ 10 đến 20mm, trong khi ở hội chứng SMA nó được giảm xuống 2 đến 8mm.

dong-mach-mac-treo-trang-tren

Tá tràng bị đè nén do góc giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên giảm

II/ TRIỆU CHỨNG :

Những biểu hiện bệnh nhân mắc hội chứng này bao gồm cảm giác no sớm, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng  ngay sau khi ăn (do tá tràng bị đè nén và tá tràng phải tăng nhu động để đền bù), chướng bụng hay bụng biến dạng, ợ hơi, đau bụng, và đi kèm với suy dinh dưỡng nặng. Điều này cứ diễn ra lần lượt như thế, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Chán ăn là một tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân bị hội chứng SMA mạn tính. Các triệu chứng một phần thuyên giảm khi trong tư thế nằm nghiêng bên trái. Hậu quả bệnh nhân suy dinh dưỡng dần dần, rối loạn nước và điện giải nặng có thể tử vong.

III/ ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG HỘI CHỨNG ĐỘNG MẠCH MẠC TREO TRÀNG TRÊN TẠI TÂM TRÍ NHA TRANG

Dưới đây chúng tôi báo ca lâm sàng tại bệnh viện Tâm Trí Nha Trang vừa qua đã chẩn đoán và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân nữ mắc hội chứng động mạch mạc treo tràng trên.

Bênh nhân nữ sinh năm 2005 vào Khoa cấp cứu của bệnh viện Tâm Trí vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 19/04/2020 với biểu hiện trước đó một ngày là đau bụng nhiều kèm buồn nôn và nôn nhiều bụng chướng nhiều. Khai thác bệnh sử bệnh nhân khoảng 2 tháng nay ăn uống kém, ăn nhanh no, sau ăn cảm giác đau tức bụng, buồn nôn và nôn ra thức ăn, giảm 4kg trong 2 tháng, tình trạng hiện tại suy dinh dưỡng nặng, môi khô, mắt hỏm sâu, cơ địa da bọc xương, khám bụng chướng căng, nôn ra thức ăn củ có mùi hôi. Bệnh nhân đã được chẩn đoán ban đau là tắc ruột tiến hành chụp CTsancer có bơm thuốc cản quan phát hiện đoạn tá tràng D3 bị hẹp dạ dày giãn lớn. Tiến hành đo góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng cho kết qua 12.5 O, khoảng cách giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ là 5.1mm.

phau-thuat-dong-mach-mac-treo-trang-tren-3

Kết quả trên cộng với các biểu hiện lâm sàng phù hợp với bệnh lý hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Bệnh nhân được hội chẩn quyết định phẫu thuật và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp hiện việc hậu phẫu bệnh nhân hồi phục nhanh, bệnh nhân đã ăn uống lại và không có cảm giác đau sau ăn.

phau-thuat-dong-mach-mac-treo-trang-tren-1

 

phau-thuat-dong-mach-mac-treo-trang-tren-2

Bác sĩ Khoa Ngoại bệnh viện Tâm Trí Nha Trang đến thăm và kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân


Đội ngũ Y Bác sĩ Khoa Ngoại