KHÁNG THUỐC KHÁNG SINH: “KHÔNG HÀNH ĐỘNG HÔM NAY, NGÀY MAI KHÔNG CÓ THUỐC CHỮA”

Thứ ba, 14/03/2017, 02:11 GMT+7

KHÁNG THUỐC KHÁNG SINH: “KHÔNG HÀNH ĐỘNG HÔM NAY,

NGÀY MAI KHÔNG CÓ THUỐC CHỮA”

khang_thuYc

Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc.

Đơn thuốc là căn cứ hợp pháp để bán thuốc, cấp phát thuốc, pha chế thuốc theo đơn và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, việc mua bán thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh không theo đơn bác sĩ vẫn diễn ra thường xuyên.

Điều đáng nói  là việc mua, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ đang gây ra nhiều nguy hại như: Tính mạng người bệnh bị đe dọa, việc điều trị kéo dài và tốn kém, hình thành những bệnh dịch do đề kháng kháng sinh. Đặc biệt, do sử dụng kháng sinh bừa bãi mà tử vong do vi khuẩn đề kháng kháng sinh mỗi năm cao hơn nhiều so với các nguyên nhân gây tử vong khác (ung thư, tiểu đường, tai nạn giao thông…). Theo các chuyên gia, dự báo đến năm 2050, số người chết do đề kháng kháng sinh có thể đến 10 triêu người. (Nguồn: The Review on Antimicrobial Resistance)

Trường hợp người bệnh khi điều trị đã bị kháng thuốc, bác sĩ điều trị sẽ phải đổi sang loại kháng sinh khác, do đó thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, liều thuốc cũng tăng lên, chi phí điều trị vì vậy có thể tăng lên gấp rất nhiều lần. Ngoài ra, ngay từ đầu bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng sinh liều mạnh nhưng bị kháng thuốc thì lần sau dù có sử dụng đúng loại kháng sinh cho đúng loại vi khuẩn gây bệnh vẫn có thể không điều trị được. Khi đó, đại dịch cho cộng đồng có thể xảy ra nếu là bệnh dễ lây lan. .
Gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành hiểm họa khôn lường đối với sự sống còn của con người trong tương lai không xa nếu chúng ta ngay bây giờ không cùng nhau bắt tay vào hành động phòng chống.

khang_thuYc_1

“Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.

Thực trạng kháng thuốc kháng sinh như trên là bởi một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là do nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc còn hạn chế, sử dụng kháng sinh ngay cả khi không có chỉ định.

+ Thứ hai là do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sỹ bán thuốc không đúng quy định.

+ Thứ ba là do các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc lạm dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới.

+ Thứ tư là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả”.

(Trích báo cáo Triển khai thực hiện kế hoạch quốc gia về phòng chống kháng thuốc- PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh).

Bộ Y tế đã ra Quyết định 708/QĐ-BYT/2015 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn.

Kháng kháng sinh là một vấn đề không mới, đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều nhưng diễn biến ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp không chỉ từ phía cơ quan y tế mà cả các cơ quan khác như chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy hải sản… nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. "Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa" là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.

 

 

                                                                          

 

 


DS Nguyễn Thị Thu Hằng