banner

ĐỀ PHÒNG NHIỄM KHUẨN TỤ CẦU VÀNG Ở TRẺ

Thứ tư, 14/08/2019, 10:51 GMT+7

Vừa qua Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, có tiếp nhận trường hợp một bé sơ sinh được 10 ngày tuổi người Nga trong tình trạng vàng da, mắt và rốn bị chảy mủ, ngoài ra còn nổi nhiều mụn nhọt ở vùng da bụng, da lưng. Sau khi được thăm khám, bác sĩ khoa Nhi đã chẩn đoán bé bị nhiễm trùng sơ sinh tại các vùng tổn thương da, rốn và kết mạc mắt. Sau khi thực hiện xét nghiệm cấy mủ tìm vi khuẩn thì có kết quả là vi khuẩn tụ cầu vàng đây là loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm vì chúng gây bệnh rất đa dạng và đặc biệt có khả năng kháng lại rất nhiều loại kháng sinh.

Sau khi được nhập viện để điều trị, các bác sĩ khoa Nhi đã cho bơm rữa vệ sinh liên tục các vùng tổn thương như mắt, rốn, vùng nhọt trên da ở vùng bụng và lưng. Ngoài ra còn kết hợp sử dụng kháng sinh phù hợp để điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng. Sau vài ngày điều trị và theo dõi, sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định, vùng mắt, rốn đã ngưng chảy mủ, các mụn nhọt vùng da bụng, lưng cũng đã giảm đáng kể và bé đã được xuất viện.

nhiem-khuan-tu-cau-vang-1

Bác sĩ khoa Nhi Võ Công Tuận và gia đình bệnh nhi

mat-bi-chay-mu-nhiem-khuan-tu-cau-vang-1_1

Mắt trẻ bị chảy mủ

nhiem-khuan-tu-cau-vang-3

Nổi nhiều mụn nước ở vùng da 

nhiem-khuan-tu-cau-vang-2

Rốn chảy mủ và đỏ quanh chân rốn

VI KHUẨN TỤ CẦU VÀNG LÀ GÌ

Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại - đó là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus), tụ cầu da (Staphylococcus Epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (Staphylococcus Saprophyticus). Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất và có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

Tụ cầu vàng gây bệnh rất đa dạng, chúng xâm nhập hoặc xuyên qua da và có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, thường là nhiễm trùng da, làm loét, phỏng da và cũng có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng trong máu, nhiễm trùng xương, các mô và thậm chí viêm màng não.

Vi khuẩn tụ cầu vàng được tìm thấy gần như khắp nơi trong tự nhiên, trên da và niêm mạc của  động vật máu nóng, mũi đường hô hấp ở mức khoảng 25 đến 30% số người.

Cứ khoảng 3 người trong số 10 người khỏe mạnh có thể có vi khuẩn tụ cầu vàng trên người và hầu hết mọi người đều không biết họ đang có mang vi khuẩn tụ cầu vàng trong người.

TRIỆU CHỨNG

+ Nhiễm trùng da : Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ nhỏ thường là ở mặt, tay hoặc chân.

- Nhọt, túi mủ : Phát triển trong nang lông hoặc tuyến dầu. Vùng da trên khu vực bị nhiễm bệnh thường trở nên đỏ và sưng. Đối với trẻ thường ở vùng gần mép mí mắt do trẻ hay dùng tay dụi vào mắt nên là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lây lan.

- Chốc lở : Thường có những mụn nước lớn có thể tiết ra chất lỏng và phát triển lớp vỏ màu mật ong.

- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng các lớp sâu hơn của da - gây đỏ da và sưng trên bề mặt da thường là chân. Khi khu vực này lan rộng, trẻ có thể cảm thấy sốt và ốm.

- Hội chứng bỏng da do tụ cầu: Thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ bị sốt, phát ban và đôi khi mụn nước. Khi các mụn nước vỡ, lớp da trên cùng bong ra, bề mặt da trở nên đỏ và thô trông giống như một vết bỏng. Bệnh này ảnh hưởng đến cơ thể giống như bỏng nặng và cần được điều trị trong bệnh viện.

- Nhiễm trùng da có thể gây phồng rộp, áp xe, đỏ, chốc lở, nhọt và sưng ở khu vực bị nhiễm bệnh. Các biểu hiện toàn thân hiếm gặp nhưng nếu các tổn thương lan rộng thì có thể làm người bệnh sốt, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém.

+ Ngộc độc thực phẩm : Buồn nôn và ói mửa, bệnh tiêu chảy, mất nước, huyết áp thấp

+ Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) : Xảy ra khi vi khuẩn tụ cầu xâm nhập vào máu của trẻ thông qua vết trầy xước. Sốt và huyết áp thấp là dấu hiệu của nhiễm trùng máu. Mủ hoặc chất lỏng đục có thể chảy ra từ vết thương.

+ Hội chứng sốc nhiễm trùng : Sốt cao, mạch nhanh, tụt huyết áp, buồn nôn và ói mửa, phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân giống như bị cháy nắng, đau cơ, bị tiêu chảy, đau bụng

+ Viêm khớp nhiễm khuẩn : thường là đầu gối, vai, hông và ngón tay hoặc ngón chân. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể là sốt, sưng khớp, đau dữ dội ở khớp bị ảnh hưởng

KHI NÀO NÊN CẦN GẶP BÁC SĨ

+ Khi xuất hiện một vùng da đỏ, bị sưng hoặc đau. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh thì rốn chảy mủ hoặc đỏ quanh chân rốn

+ Sốt và nổi nhiều mụn mủ

+ Mụn, nhọt không biến mất trong nhiều ngày

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

+ Kháng sinh : Khi có những triệu chứng trên người bệnh cần đến các trung tâm y tế uy tín, thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định đúng các loại vi khuẩn gây bệnh và lựa chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.

+ Rạch vết thương : Nếu bạn đang bị nhiễm trùng áp xe hóa, bác sĩ sẽ rạch vào đó để thoát dịch.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ

+ Cách ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn này là mọi người cần vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách tắm rửa hằng ngày với nước sạch, nhất là với trẻ sơ sinh có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa mồ hôi, bã nhờn và người lớn cũng nên rữa tay sạch mỗi khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ . Ngoài ra hạn chế tiếp xúc với các bề mặt nhiều người sử dụng như các thanh tay vịn, các vòi nước  hoặc các tay nắm cửa, đặc biệt là các khu cộng đồng.

+ Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ sạch những vết trầy xước trên da, không tự ý dùng kháng sinh hay thuốc bôi, đắp lá và không được cào xước vùng da bị viêm… Cần trị triệt để các bệnh ngoài da để tránh tụ cầu xâm nhập qua đường máu. Tốt nhất nên đi khám để bác sĩ cho thuốc điều trị thích hợp. 

+ Không được dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, quần áo…) với người bị nhiễm tụ cầu vàng


Phòng Thông tin Y khoa - Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang