banner

CẢNH BÁO KIẾN BA KHOANG ĐANG VÀO MÙA TẠI NHA TRANG

Thứ ba, 19/11/2019, 15:15 GMT+7

Mùa mưa là mùa kiến ba khoang sinh sản và phát triển mạnh. Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 10/2019, bệnh nhân đến thăm khám tại phòng khám da liễu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang do bị chất độc trên kiến ba khoang dây vào da làm phỏng rộp đau rát và mưng mủ. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh giời leo (hay zona).

kien_ba_khoang

Theo như Bác sĩ Phạm Anh Khoa chuyên khoa Da Liễu tại bệnh viện đa khoa Tâm Trí Nha Trang thi Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc bộ cánh cứng. Hình dạng thon dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), có những sọc màu đỏ và đen. Đây không phải là con kiến mà là con bọ, do nhìn giống con kiến nên dân gian hay gọi là con kiến ba khoang.

Con bọ này không đốt hay cắn người gì cả! Trong cơ thể loài kiến này có một chất kịch độc gọi là “pederin”, độc tính gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ. Khi ta đập hay dính phải dịch tiết khi tiếp xúc qua da, độc tố này thấm xuyên qua da gây viêm da nặng. Đặc biệt khi gãi, dịch dính vào tay lây sang những vùng da khác sẽ gây ra viêm da tiếp xúc trên nhiều vùng da của cơ thể.

Dính độc kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Do có biểu hiện thương tổn da phỏng rộp thành đường do kiến ba khoang bị nghiền nát và trì trét trên da nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh giời leo (hay zona).

Điều trị vết thương do kiến ba khoang còn tùy theo mức độ, song đa số khoảng một tuần là khỏi. Sau điều trị không để lại sẹo nếu phát hiện sớm và điều trị trước 3 ngày. Thuốc điều trị bao gồm kháng sinh nhóm nhạy cảm đáp ứng với da, kháng histamine, corticoide, viên kẽm, vitamin B2...

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang:

    +    Đầu tiên cần phải nhận biết con kiến ba khoang là con gì để biết đường tránh.

    +    Khi thấy con kiến ba khoang bò trên người tuyệt đối không nên đập hay đánh chết nó, mà nhẹ nhàng dùng tờ giấy hay mảng vải phủi nó ra khỏi người.

    +    Khi thấy kiến rớt dưới nền thì dùng chổi quét kiến vào bọc rồi vưt ra ngoài. Tránh đụng chạm trực tiếp vào con kiến.

Xử trí sau khi lở tiếp xúc với kiến ba khoang:

    +    Nếu vô tình đập hay nghiền nát con kiến này trên da, cần rửa ngay nơi tiếp xúc đó với nước xà bông cho thật sạch.

    +    Sau đó quấn tổn thương nơi tiếp xúc bằng gạc tẩm ướt.

    +    Thường vết thương sẽ phỏng rộp từ ngày thứ 3. Sau 10 – 14 ngày vết thương mới lành hẳn.

    +     Nếu tình trạng tổn thương nặng và đau rát nhiều gây khó chịu, bạn đi khám bác sĩ da liễu để kê toa thuốc để điều trị.


Phòng thông tin y khoa - Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang