banner

BÀNG QUANG TĂNG HOẠT – CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Thứ hai, 20/02/2017, 00:22 GMT+7

BÀNG QUANG TĂNG HOẠT – CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

BS Nguyễn Ngọc Hiền

Bàng quang tăng hoạt là gì ?          

Bàng quang tăng hoạt (BQTH - overactive bladder) - còn gọi là Hội Chứng Bàng Quang Tăng Hoạt (Overactive Bladder Syndrome) - là một hội chứng bao gồm 4 nhóm triệu chứng: Tiểu gấp, Tiểu lắc nhắc (nhiều lần), Tiểu đêm, và có hay không có kèm theo Són tiểu.

Biểu hiện lâm sàng:

Người bệnh không thể đi tiểu chủ động như bình thường: người bệnh đi tiểu lắt nhắt nhều lần (có thể từ 10 đến 30 lần / 24 giờ), này cũng như đêm, nhưng tiểu không đau buốt, không khó tiểu, mỗi lần đi rất ít nứớc tiểu nhưng tiểu xong  lại có cảm giác muốn tiểu lại ngay. Một số có kèm Són tiểu (người bệnh cảm thấy mót tiểu rất gấp, nếu chậm trễ có thể són tiểu). Tổng lượng nước tiểu trong ngày không tăng, người bệnh uống nước bình thường. BQ tăn hoạt có 2 dạng: BQTH khô: BN không có són tiểu; BQTH ướt: BN có són tiểu.

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu không kiểm soát: một vài loại thuốc (như thuốc kháng viêm, thuốc thuộc nhóm cholinergic, thuốc chẹn bêta, serotonine…), chứng bàng quang thần kinh (neurogenic bladder), các bệnh hoặc tổn thương thần kinh (xơ hoá thần kinh rải rác, bệnh Parkinson, tổn thương thần kinh tuỷ sống …), đột quỵ, stress, một số trạng thái tâm lý (lo âu, buồn phiền…), ung thư bàng quang, nhiễm trùng niệu, u tuyến tiền liệt …  

Do biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tiểu nhiều lần, tiểu gấp nên nhiều người (kể cả những người có chuyên môn) thường chẩn đoán lầm là tiểu đường, tiểu tháo nhạt, viêm bàng quang…

Sinh lý của sự đi tiểu bình thường như thế nào?

bang_quang_tYng_hoYt

Bàng quang khi đầy có hình cầu. Bàng quang nối tiếp với niệu đạo qua cổ bàng quang. Nó được lót bên trong bằng một lớp niệu mạc mềm, bên ngoài là 2 lớp cơ chéo nhau. Phần trên BQ (chóp BQ) gọi là detrusor, phần đáy BQ giới hạn giữa 2 miệng Niệu Quản và việng Niệu Đạo (cổ BQ) là Tam giác niệu. Các sợi cơ chéo choàng qua cổ bàng quang tạo nên một cơ vòng cổ bàng quang (cơ trơn). Tiếp nối với cổ bàng quang là niệu đạo. Bên dưới cơ vòng cổ bàng quang khoảng 3 cm là cơ vòng vân. Hai cơ vòng này phối hợp nhịp nhàng với cơ bàng quang tạo nên cơ chế đi tiểu bình thướng.

Toàn bộ hệ thống bàng quang - cổ bàng quang-cơ vòng trơn-cơ vòng vân-niệu đạo được diều khiển bởi 2 hệ thần kinh: Thần kinh vận động (từ võ não) và cung phản xạ thần kinh qua trung tâm Budge ở tuỷ sống (S3-S4).

Khi bàng quang đầy nước tiểu (300-400 ml), áp lực bên trong bàng quang lên khoảng 60 cm nước. Áp lực này tác động vào thành bàng quang và cổ bàng quang tạo nên 2 luồng thần kinh: một qua tuỷ sống lên võ não và một qua cung phản xạ đến tuỷ sống. Nếu đã sẳn sàng đi tiẻu, từ võ não sẽ có luồng thần kinh vận động điều khiển cơ vòng vân mở ra đồng thời cơ bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra niệu đạo. Trong khi đó luồng thần kinh qua cung phản xạ từ trung tâm Budge sẽ kích thích cơ vòng trơn (ở cổ bàng quang) mở ra và niệu đạo co bóp theo một nhu động nhịp nhàng từ trong ra ngoài để đẩy nước tiểu ra thành vòi.

Nếu cơ chế đi tiểu bình thường bị rối loạn, sẽ xảy ra hiện tượng khi trong bàng quang bệnh nhân chỉ có một ít nước tiểu (vài chục ml) hệ thần kinh đã bị kích thích mót tiểu  làm cho bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác muốn đi tiểu.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán chứng Bàng quang tăng hoạt chủ yếu dựa vào lâm sàng. Cần hỏi kỹ các đặc điểm của triệu chứng tiểu không kiểm soát: bệnh nhân mót tiểu liên tục nhưng tiểu đễ dàng, không đau, buốt, mỗi lần ít nước tiểu… Cần tránh nhầm lẫn với tiểu nhiều trong bệnh tiểu đường, tiểu tháo nhạt… và tiểu rắt trong bệnh viêm bàng quang, tiểu khó trong bệnh ung thư  bàng quang, u tuyến tiền liệt…  Cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung như tổng phân tích nước tiểu để loại trừ các nhiễm trùng niệu. Ngoài ra cũng cần thử tế bào trong nước tiểu, ghi niệu dòng đồ hoặc áp lực đồ bàng quang để biết tình trạng hoạt động của BQ, của cổ bàng quang, khảo sát siêu âm hệ niệu đồng thời đo tồn lưu bàng quang. Ít khi phải cần đến CT, MRI, chụp bàng quang ngược dòng hoặc soi bàng quang.

Về điều trị

Vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tiểu không kiểm soát và cơ chế sinh bệnh chưa được hiểu rõ nên việc tìm hiểu kỹ các yếu tố về đời sống, sinh hoạt, tâm lý của bệnh nhân (với sự hợp tác tốt của bệnh nhân) có thể giúp bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Có 4 phương pháp điều trị thường được áp dụng (riêng lẽ hoặc phối hợp):

Thuốc:

Có thể sử dụng các thuốc làm giảm sự co bóp của detrusor hoặc thuốc có tác dụng trung hoà các chất trung gan thần kinh nhằm ngăn chặn các luồng thần kinh có tác dụng trên cơ bàng quang như thuốc Anti Muscarinic như: Thuốc thế hệ 1: Oxybutinine; Thuốc thế hệ 2: Trospium, Tolterodine; Thuốc thế hệ 3: Darifenacin, Solefenacin, hoặc thuốc Ức chế Beta 3 Adrenergic như Mirabegron… Những thuốc này có tác dụng làm giảm sự co bóp của bàng quang, tăng dung tích BQ nên giúp giảm số lần đi tiểu trong ngày. Tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ gây khó chịu như khô miệng, khó ngủ, đôi khi chóng mặt, buòn nôn, tức vùng bàng quang… nên cần được phối hợp với các loại thuốc làm êm dịu thần kinh. Ngoài ra cần điều trị lâu dài mới có kết quả;  Dầu vậy, có khoảng 20 -30% không có đáp ứng hoặc không dung nạp được thuốc. Trong các trường hợp này phải chuyển sang phương pháp điều trị khác.

Lý liệu pháp

Thiết lập lịch đi tiểu, uống nước đúng giờ / 24 giờ, xoa nắn vùng tầng sinh môn theo phương pháp Kegel. Các liệu pháp này được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với thuốc có thể mang lại một số kết quả tốt. Nên khuyên bệnh nhân không uống cafe, rượu, thuốc lá và tiết thực giảm cân.

 Kích thích thần kinh:

Trong trường hợp phối hợp 2 phương pháp trên thất bại, có thể áp dụng phương pháp kích thích các thần kinh ngoại biên vùng tầng sinh môn, âm đạo, trực tràng, thần kinh chày sau… bằng các xung thần kinh thích hợp để chữa chứng BQ tăng hoạt. 

Phẫu thuật:

Thường chỉ áp dụng trong các trường hợp BQ tăng hoạt ướt. Đây là phương pháp mang lại kết quả cao, tuy nhiên tuỳ theo tổn thương gây bệnh mà người ta chọn phương pháp phẫu thuật cho phù hợp, do đó phải nghiên cứu kỹ từng trường hợp để tìm ra đúng loại bệnh, sử dụng đúng phẫu thuật cần thiết. Nếu chọn sai phương pháp, phẫu thuật không những không mang lại kết quả mà còn làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Ví dụ: Bệnh nhân bị tiểu không kiểm soát dạng bàng quang co thắt (spastic) thì phải sử dụng phẫu thuật mở rộng bàng quang, ngược lại nếu bệnh nhân bị tiểu không kiiểm soát dạng bàng quang tràn đầy (flasque) thì phải sử dụng phẫu thuật mở rộng cổ bàng quang,  khi bệnh nhân bị tiểu không kiiểm soát dạng tiểu gấp (urge incontinence) thì cần đến phẫu thuật kéo dài niệu đạo sau (pt Leadbeter) hoặc phẫu thuật sửa lại sàn bàng quang, tái lập góc bàng quang-niệu đạo (góc Jefcoate) vv…

Tóm lại Bàng Quang Tăng Hoạt là hội chứng thường gặp (17% - 35%), nhất là ở phụ nữ, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, làm ttrở ngại công tác, học tập và có ảnh hưởng tâm lý rất lớn, nhất là đối với bệnh nhân trẻ. Bệnh càng để lâu điều trị càng ít kết quả. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng nên bệnh nhân cần hợp tác với bác sĩ, nói rõ các đặc điểm của triệu chứng “tiểu nhiều lần, mỗi lần ít nước tiểu, tiểu gấp, không đau, buốt”. Bác sĩ phải điều tra kỹ, đồng thời phối hợp với các xét nghiệm, cận lâm sàng để có chẩn đoán, phân loại chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Dùng thuốc là chọn lựa đầu tiên, nếu thất bại mới chuyển qua các phương pháp khác. Cần hỏi kỹ bệnh nhân để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác như tiểu đường, đái tháo nhạt, viêm bàng quang vv…