Tuesday, 26/03/2019, 13:32 GMT+7
Đái Tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ chất insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng, dẫn đến việc tích tụ đường trong máu. Điều này dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh võng mạc đái tháo đường.
1. Bệnh võng mạc Đái Tháo Đường là gì?
Bệnh võng mạc Đái Tháo Đường là sự rối loạn các mạch máu rất nhỏ trong võng mạc bị tổn thương do bệnh Đái Tháo Đường gây nên. Bệnh chia theo nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nặng như chưa tăng sinh và tăng sinh. Khi tăng sinh có thể gây xuất huyết dịch kính, màng xơ trước võng mạc hoặc bong võng mạc dẫn đến giảm hoặc mất thị lực và mù lòa.
2. Các giai đoạn của bệnh võng mạc Đái Tháo Đường:
a. Bệnh lý võng mạc Đái Tháo Đường tiền tăng sinh:
Tổn thương ở võng mạc giai đoạn này được gây nên bởi sự cung cấp máu bất thường cho võng mạc, dẫn đến các tổn thương thiếu máu cục bộ, xuất huyết, xuất tiết và phù võng mạc. Nếu các tổn thương này chưa xâm phạm đến vùng hoàng điểm thì bệnh nhân chưa nhận thấy giảm thị lực. Mặc dù các tổn thương trên võng mạc đã khá nặng nề mà bệnh nhân vẫn chưa nhận biết thấy nên thường không đi khám và điều trị.
b. Bệnh lý võng mạc Đái Tháo Đường giai đoạn tăng sinh:
Giai đoạn này gây ra bởi sự tăng sinh các tân mạch máu bất thường, gây xuất huyết tái diễn liên tục, gây tổ chức hóa và co kéo dịch kính võng mạc. Hậu quả là tổn thương nặng võng mạc, rách hoặc bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Một hậu quả khác thường gặp là gây nên thể bệnh glaucoma tân mạch, đau nhức thường xuyên tiếp diễn, cực kỳ khó điều trị.
3. Tại sao phải kiểm soát bệnh võng mạc Đái Tháo Đường?
Điều trị thành công bệnh võng mạc tiểu đường phù thuộc vào việc phát hiện sớm và điều trị. Tất cả nhữnh bệnh nhân tiểu đường được khuyên nên kiểm soát đường huyết trong chế độ ăn hàng ngày cùng với thuốc để làm giảm hay phòng chống sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường và các biến chứng khác. Thường xuyên khám mắt định kỳ để sớm phát hiện bệnh là chìa khoá then chốt để việc chữa trị bệnh thành công.
Đối với bệnh nhân Đái Tháo Đường Type 1, nên khám mắt lần đầu trong vòng 5 năm kể từ khi chẩn đoán bệnh và khám lại định kỳ hằng năm hoặc ít nhất 2 năm/ 1 lần nếu không phát hiện thấy dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện tổn thương võng mạc, tần suất có thể tăng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương võng mạc và mức độ kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
Đối với bệnh Đái Tháo Đường Type 2, cần khám mắt càng sớm càng tốt, ngay sau khi chẩn đoán có bệnh, tần suất khám lại tương tự như bệnh nhân Đái Tháo Đường Type 2.
Bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù, tuy nhiên phần lớn trường hợp có thể phòng ngừa được. Bệnh thường không có các dấu hiệu, triệu chứng trong thời kỳ đầu, do đó việc khám mắt định kỳ là cách xác định các mức độ tổn thương trên võng mạc. Để giữ thị lực tốt cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như đường huyết, huyết áp, kiểm soát lượng mỡ trong máu cũng như theo dõi và khám mắt định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, nhằm ngăn ngừa bệnh lý võng mạc đái tháo đường.