banner

SỎI NIỆU QUẢN LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Thứ sáu, 10/07/2020, 10:40 GMT+7

Sỏi niệu quản là gì ?

Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản làm tắc nghẽn khiến thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.

Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có chiều dài khoảng 25cm, đường kính lòng niệu quản từ 2 - 4mm. Càng xuống thấp thì niệu quản càng có đường kính nhỏ.

Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:

  • Đoạn nối thận vào niệu quản
  • Đoạn nối niệu quản vào bàng quang
  • Đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu
  • 83779755_2955371051247487_3112105363429633578_n

Sỏi niệu quản gây những cơn đau dữ dội

Khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gây cản trở dòng nước tiểu làm cho thận và bể thận bị căng giãn, gây cơn đau rất dữ dội thường được gọi tên là ‘cơn đau quặn thận’ hay ‘cơn đau bão thận’.

 

Triệu chứng sỏi niệu quản

  • Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng: 
  • Khi sỏi rơi từ thận xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận với biểu hiện: Đau xuất hiện đột ngột, mức độ đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục không có tư thế giảm đau.
  • Đái máu có thể đái máu vi thể phát hiện qua soi hay đái máu đại thể có thể phát hiện bằng mắt thường nước tiểu màu như nước rửa thịt.
  • Đái ra sỏi ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán.
  • Đái ra mủ trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu kèm các triệu chứng: Sốt, đái buốt, đái rắt.

trieu-chung-soi-nieu-quan_1

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Có tới 80% sỏi niệu quản do sỏi từ thận rơi xuống. Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do các dị dạng niệu quản làm tăng yếu tố nguy cơ làm ứ đọng nước tiểu, từ đó dẫn tới lắng đọng tinh thể kết tụ thành sỏi.  Các dị dạng niệu quản thường gặp là: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ...

Yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi

Uống ít nước, pH nước tiểu thấp, một số sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các nguyên nhân dẫn đến cô đặc nước tiểu là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình hình thành sỏi.

Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa với thuốc: là điều trị hỗ trợ để đưa sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên.

Điều trị can thiệp

Đối với các trường hợp không có khả năng điều trị nội khoa hay điều trị nội khoa 2 tuần mà sỏi không tự ra ngoài theo đường tiểu thì người bệnh nên nhập viện để được can thiệp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.

Đa số sỏi niệu quản có kích thước nhỏ nhỏ nên các biện pháp can thiệp hiện đại được các bác sĩ thực hiện nhẹ nhàng và ít biến chứng sau can thiệp. Các biện pháp can thiệp điều trị sỏi niệu quản:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể: Là phương pháp sử dụng sóng xung kích hội tụ tác động từ bên ngoài cơ thể tập trung tại vùng có sỏi. Trong khoảng thời gian 7-15 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản, xuống bàng quang và theo đường tiểu ra ngoài.
  • Tán sỏi qua da: Bác sĩ đưa đầu tán qua một lỗ mở nhỏ (đường hầm) trên da, đi vào thận sau đó xuống niệu quản để tán sỏi.  Cũng qua đường hầm này, bác sĩ đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ. Ống thông này sẽ được rút ra sau 24 – 48 giờ.
  • Tán sỏi ngược dòng: Bác sĩ đưa máy soi kèm đầu tán theo đường niệu đạo vào bàng quang, sau đó lên tới niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vỡ viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết vụn sỏi ra ngoài. Đây là phương tối ưu nhất và cũng đòi hỏi kỹ thuật cao của người bác sĩ. Tán sỏi ngược dòng qua ống nội soi mềm là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu. Kỹ thuật này giúp bảo tồn tối đa chức năng thận và giúp người bệnh hồi phục nhanh. Người bệnh có thể ra viện sau 1 - 2 ngày. Với phương pháp này, người bệnh sẽ không có vết mổ - mọi thao tác được thực hiện qua đường tự nhiên.
  • Phẫu thuật lấy sỏi nội soi: Nội soi qua ổ bụng hay khoang sau phúc mạc để lấy sỏi.
  • Phẫu thuật hở để lấy sỏi: Thường áp dụng khi sỏi quá to hoặc người bệnh đã có nhiều biến chứng nhiễm trùng nặng.
  • Phẫu thuật cắt thận: Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật này khi sỏi gây biến chứng làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.

Sỏi niệu quản càng để lâu càng dễ gây nhiều biến chứng, khiến việc điều trị càng khó khăn vì vừa phải lấy sỏi vừa phải điều trị các biến chứng. Điều này cũng gây trở ngại lớn trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp tiên tiến hiện nay. Trong nhiều trường hợp, người bệnh phải chấp nhận tình trạng phẫu thuật mở, xâm lấn nhiều, chậm hồi phục hơn.

Phương pháp phòng sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản hay tái phát nên việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh là rất cần thiết. Với những bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày hợp lý:

  • Không ăn quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi
  • Không nhịn đi tiểu
  • Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày
  • Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu gắt thì nên đi khám bệnh lý tiết niệu

Cần khám sức khỏe định kỳ đề phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.


Phòng thông tin y khoa - Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang