banner

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ RÁCH SỤN CHÊM KHỚP GỐI

Thứ năm, 12/03/2020, 14:03 GMT+7

I/ RÁCH SỤN CHÊM LÀ BỊ TỔN THƯƠNG GÌ ?

Rách sụn chêm là một trong những tổn thương thường gặp nhất trong chấn thương khớp gối. Bất cứ hoạt động nào gây một áp lực lớn trên khớp, đồng thời ở trạng thái vặn xoắn hoặc xoay vòng khớp gối, đặc biệt khi chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể đều có thể dẫn đến rách sụn chêm.

rach_sun_chem

Vết rách sụn chêm

Mỗi gối có hai đĩa sụn chêm hình chữ C nằm giữa hai khe khớp trong ngoài tạo nên bởi lồi cầu xương đùi và mâm chày. Một vết rách sụn chêm là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu đau, sưng và cứng gối. Nạn nhân cũng có thể cảm thấy gối bị khó vận động gấp duỗi hoặc duỗi ra không được tối đa.

Điều trị bảo tồn như là chườm lạnh, nghỉ ngơi, dùng thuốc thường làm thuyên giảm các triệu chứng – đây cũng là thời gian để sụn chêm rách được lành lại. Một số trường hợp khác đòi hỏi phải phẫu thuật nội soi để phục hồi.

II/ CÁC TRIỆU CHỨNG BỊ RÁCH SỤN CHÊM

Khi bị rách sụn chêm, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu sau

  • Nghe hoặc cảm thấy tiếng kêu “rắc” trong gối ngay khi lúc rách sụn.
  • Cảm thấy đau khi vặn xoắn hoặc xoay chân.
  • Sưng nề hoặc cứng gối.
  • Khó khăn trong việc thẳng gối tối đa.
  • Cảm giác gối luôn bị mắc kẹt khi gấp duỗi.
  • Cảm giác gối như “rời” ra.

III/ NGUYÊN NHÂN

  • Các hoạt động liên quan việc gối phải vặn xoắn hoặc xoay tròn trong lúc chân phải chịu lực trụ chống lớn.
  • Các chấn thương do chơi thể thao mạnh như bóng đá, tennis, bóng rổ
  • Nguy cơ càng gia tăng đối với các bệnh nhân béo phì.
  • Đối với người có tuổi thường do thoái hóa, bệnh nhân ngồi ghế và đứng lên đột ngột trong tư thế bất lợi cũng có thể gây rách sụn chêm.

IV/ BIẾN CHỨNG :

Các bệnh nhân rách sụn chêm thường có cảm giác như :

  • Gối cẳng chân rời ra khỏi cơ thể hoặc muốn quỵ khi vận động đi lại,
  • Mất kiểm soát điều khiển và thường xuyên đau.
  • Diễn biến về lâu dài dẫn đến viêm thoái hóa khớp gối.

ton-thuong-sun-chem

Các loại vết rách sụn chêm

 

V/ CHẤN ĐOÁN :

Bác sĩ khám chấn thương sẽ khai thác các đặc điểm bệnh sử nói trên, kiểm tra các hoạt động của gối ở các tư thể khác nhau thông qua các test chẩn đoán lâm sàng, tìm điểm đau, xác định các test dương tính.

VI/ HÌNH ẢNH X-QUANG :

  • X-quang : Bởi vì sụn chêm cấu trúc là tổ chức sụn, nên không nhìn thấy trên x quang. Tuy nhiên X quang có giá trị loại trừ các tổn thương phần cứng khác cũng gây các triệu chứng đau tương tự
  • MRI: sử dụng công nghệ từ tính không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cho hình ảnh chi tiết cả phần cứng và phần mềm. Đây là khảo sát hình ảnh số 1 để chẩn đoán rách sụn chêm.
  • Nội soi khớp gối: Với một số trường hợp vẫn chưa rõ ràng , Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi khớp gối để có thể khảo sát toàn bộ bên trong khớp gối và đánh giá các tổn thương. Nếu có phát hiện tổn thương thì bác sĩ có thể tiến hành can thiệp giải quyết ngay nếu cần thiết nhờ một số các dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng.

VII/ ĐIỀU TRỊ CHẤN THƯƠNG DO RÁCH SỤN CHÊM NHƯ THẾ NÀO ? 

Điều trị rách sụn chêm dựa vào hình thái, vị trí và kích thước và vùng rách của sụn chêm của tổn thương

+  Điều trị bảo tồn (không qua phẫu thuật ) :  

  • Rách sụn chêm với vết rách nhỏ, đi kèm viêm khớp thường được cải thiện nhiều sau một thời gian điều trị viêm khớp, theo thống kê từ Khoa Ngoại của Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang thì rất nhiều trường hợp rách sụn chêm có dấu hiệu cứng, kẹt khớp, hạn chế vận động khớp, sẽ được cải thiện sau một thời gian điều trị bảo tồn. Vì thế bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bảo tồn trong thời gian này.
  • Chế độ nghỉ ngơi: nên tránh các hoạt động gây chấn động mạnh đến khớp gối, đặc biệt các động tác gây vặn xoắn, xoay trục cẳng chân gối. Nếu đau quá bệnh nhân có thể dùng nạn chống nách để hỗ trợ đi lại
  • Túi lạnh, khăn lạnh sẽ giúp khới gối bớt đau và sưng, có thể áp lên gối 15 phút /lần và giữ gối ở tư thế cao. Nên làm như thế trong một hai ngày đàu sau chấn thương.
  • Thuốc: chủ yếu sử dụng các thuốc giảm đau.

+  Điều trị phẫu thuật :

phau-thuat-noi-soi-rach-sun-chem

Điều trị rách sụn chêm bằng phương pháp phẫu thuật nội soi

  • Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp trên mà không đỡ, Bs sẽ tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi, điều này nên làm đối các bệnh nhân là trẻ em hoặc người trẻ.
  • Qua hệ thống nội soi, sụn chêm sẽ được sữa chữa trở lại bằng các dụng cụ chuyên dụng.
  • Nếu có biến chứng đến viêm khớp kéo dài, Bs sẽ đề nghị ghép sụn chêm đối với ngưới trẻ và thay sụn khớp đối BN lớn tuổi.

+  Điều trị vật lí trị liệu bổ sung :

  • Bệnh nhân nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giữ sức cơ, chống teo cơ, lấy lại biên độ khớp.

BS. Nội trú. Nguyễn Minh Sơn