banner

KẾT HỢP ĐÔNG-TÂY Y TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU THẦN KINH TỌA

Thứ năm, 28/11/2019, 17:09 GMT+7

1. ĐAU THẦN KINH TỌA LÀ GÌ ?

Đau thần kinh Tọa (còn gọi là thần kinh hông to, hay thần kinh ngồi) là tình trạng đau dây thần kinh lan từ lưng xuống chân, có khi lan đến gót và bàn chân. Cơn đau khiến cho người bệnh không thể cúi ngửa, xoay trở hoặc đi lại. Có thể kèm theo các tình trạng như tê, châm chích, dị cảm hoặc yếu liệt 2 chân.

dieu-tri-dau-day-than-kinh-toa-benh-vien-tam-tri-nha-trang

2. ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH 

Nguyên nhân của Đau thần kinh Tọa thường là do thoát vị đĩa đệm, ngoài ra còn các nguyên nhân khác như thoái hóa cột sống, trượt, xẹp đốt sống, do viêm nhiễm, ung thư,...

  • Tuổi tác (từ 30 tuổi – 60 tuổi) : Tuổi tác càng cao thì càng có nhiều thay đổi liên quan đến cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai xương, là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa.
  • Béo phì: trọng lượng cơ thể dư thừa có thể góp phần tăng căng thẳng cho cột sống gây ra đau thần kinh tọa.
  • Nghề nghiệp:  những người ngồi làm việc văn phòng hoặc công việc thường xuyên khiên vác vật nặng có khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa.
  • Bệnh đái tháo đường: làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.

3. NHỮNG NGUY HIỂM TỪ CHỨNG ĐAU THẦN KINH TỌA

Trước mắt, tình trạng này làm cho người bệnh đau đớn, nếu nhẹ thì có thể khỏi sau một đợt điều trị, nếu nặng sẽ gây đau dai dẳng làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp biểu hiện tình trạng liệt hai chi dưới có thể dẫn đến teo cơ và mất vận động.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy trên tim mạch, thận, viêm loét đường tiêu hóa… Một khi bị Đau thần kinh Tọa, người bệnh rất thường bị tái phát, nhất là các trường hợp như thoát vị, thoái hóa, xẹp, trượt đốt sống.

4. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP ĐÔNG-TÂY Y :

 

dieu-tri--dau-than-kinh-toa3

 

  • Dùng thuốc: Với Y học hiện đại, các thuốc đầu tay là thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ. Ưu điểm của các thuốc này là giúp người bệnh giảm nhanh triệu chứng, nhưng nhược điểm là không thể dùng lâu dài, vì tác dụng phụ của thuốc trên tim mạch, tiêu hoá, thận,…
  • Châm cứu: Trong đợt cấp có thể dùng điện châm hoặc ôn châm 1 số huyệt đạo. Việc kết hợp châm cứu trên người bệnh Đau thần kinh Toạ giúp giảm số lần phải dùng thuốc giảm đau, giảm nguy cơ tác dụng phụ của thuốc Y học hiện đại.
  • Xoa bóp bấm huyệt: thủ thuật miết, day, bấm, bóp, chặt, vờn làm giãn cơ, lưu thông khí huyết, giảm đau.
  • Vật lý trị liệu: kéo cột sống bằng máy, siêu âm sóng ngắn làm giảm chèn ép, tăng tuần hoàn, giãn cơ, giảm đau.
  • Chiếu đèn hồng ngoại : có tác dụng nhiệt giúp giảm đau, dãn cơ, tăng tuần hoàn
  • Kéo giãn cột sống thắt lưng : giúp dãn cơ, giảm chèn ép, giảm tình trạng thoát vị đĩa đệm
  • Phẫu thuật: là phương pháp được chỉ định khi người bệnh được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây liệt chi dưới, teo cơ chi dưới, rối loạn chức năng tiểu tiện, đại tiện, chức năng sinh dục…

dieu-tri-dau-than-kinh-toa-benh-vien-tam-tri-nha-trang

5. LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa đau thần kinh tọa và tình trạng này có thể tái phát. Những điều sau đây có thể đóng một vai trò quan trọng góp phần giảm khả năng mắc đau thần kinh tọa

  • Luôn giữ cột sống thẳng đứng, tránh cúi người bưng, bê, vác vật nặng, nếu không thể tránh được, cần phải tập luyện tư thế bưng vác đúng cách. Hãy liên hệ với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn cụ thể.
  • Đối với nhân viên văn phòng cần chọn một chỗ ngồi có hỗ trợ lưng dưới tốt, tay vịn và chân đế xoay. Có thể đặt thêm một chiếc gối hoặc khăn cuộn ở phía sau lưng để giúp duy trì đường cong bình thường.
  • Tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ lưng và sự mềm mại cột sống.
  • Điều trị kịp thời các bệnh lý thoái hóa, xẹp, trượt đốt sống, ung thư, viêm…
  • Đau thần kinh tọa nhẹ thường biến mất theo thời gian. Gọi cho bác sĩ nếu các biện pháp tự chăm sóc không làm giảm các triệu chứng của bạn hoặc nếu cơn đau của bạn kéo dài hơn một tuần, nghiêm trọng hoặc trở nên tồi tệ dần dần.

Đến khám bác sĩ khi có những triệu chứng sau:

  • Bạn bị đau đột ngột, dữ dội ở lưng hoặc chân và tê hoặc yếu cơ ở chân
  • Cơn đau sau một chấn thương dữ dội, như tai nạn giao thông
  • Bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột hoặc bàng quang của bạn.

Đối với bệnh nhân đang điều trị đau thần kinh tọa: 

  • Nên được nghỉ ngơi, tránh các hoạt động nặng.
  • Bệnh nhân cần nằm giường cứng hoặc ngồi ghế có dựa lưng để giữ cho cột sống được thẳng.
  • Đến khi bớt đau thì nên tập các bài tập về cột sống thắt lưng từ nhẹ nhàng đến tăng dần theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 
bai-tap-van-dong-dieu-tri-dau-than-kinh-toa

Phòng thông tin y khoa - Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang