banner

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN B - ĐỪNG ĐỂ QUÁ MUỘN ?

Thứ hai, 25/11/2019, 16:14 GMT+7

1/ Bệnh viêm gan là gì ?

Gan là một cơ quan thiết yếu của cơ thể giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất độc hại và chống nhiễm trùng. Các hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng khi gan bị viêm hay bị tổn thương. Sử dụng nhiều rượu bia, các chất độc hại, thuốc lá và một số bệnh lý có thể gây viêm gan. Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan thường là virus. Ở Việt Nam thì viêm gan virus hay gặp nhất là viêm gan B

2/ Viêm gan B là gì ?

Đây là một bệnh lý gan nặng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B cấp xảy ra sau khi bạn bị nhiễm HBV trong vòng 6 tháng đầu tiên. Các triệu chứng có thể thay đổi từ rất nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng đến rất nặng cần phải nhập viện.

Viêm gan B mạn tính thường do nhiễm HBV kéo dài cả đời. Khả năng một người nhiễm HBV có trở thành mạn tính hay không phụ thuộc vào độ tuổi của người đó lúc nhiễm virus. khoảng 90% trẻ sơ sinh nhiễm HBV sẽ trở thành nhiễm mạn tính. Ngược lại, chỉ có 5% người lớn nhiễm HBV phát triển thành viêm gan B mạn tính. Theo thời gian, viêm gan B mạn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan và tử vong.

viem-gan-sieu-vi-B-tam-tri-nha-trang

3/ Viêm gan B phổ biến đến mức nào?

Theo WHO, hiện thế giới đang có khoảng 350 triệu người mang virus viêm gan B và khoảng 2- 3% dân số thế giới nhiễm virus viêm gan C. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ nguy cơ cao của viêm gan siêu vi B (6- 10% dân số).

4/ Viêm gan B lây truyền như thế nào?

Virus viêm gan B (HBV) lan truyền khi máu, tinh dịch hoặc những dịch cơ thể khác từ người bệnh đi vào cơ thể người lành.

Nhiễm virus HBV ở tuổi trưởng thành dẫn đến viêm gan mạn tính chiếm khoảng 5% trường hợp, trong khi ở trẻ nhỏ dẫn đến viêm gan mạn tính khoảng 95% trường hợp.

Virus có thể lây truyền qua:

+ Quan hệ tình dục với người nhiễm HBV mà không có biện pháp dự phòng thông qua tinh dịch, dịch kinh nghiệt, nước bọt.v.v.

+ Tiêm truyền : sử dụng chung bơm kim tiêm và những dụng cụ tiêm truyền khác với người nhiễm HBV, thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, thẩm mỹ, hình xăm, xỏ khuyên hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo, các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.

+ Từ mẹ sang con : mẹ nhiễm HBV có thể lây truyền cho con lúc sinh. Trên thế giới, phần lớn các trường hợp viêm gan B là do nhiễm HBV ở trẻ sơ sinh bị nhiễm từ mẹ hoặc trước 5 tuổi.

+ Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc-xin. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B.

Đặc biệt : Viêm gan B không lây truyền qua bú mẹ, sử dụng chung dụng cụ ăn, ôm hôn, bắt tay, ho hay hắt hơi. Viêm gan B cũng không lây qua thức ăn, nước uống.

5/ Triệu chứng của viêm gan B là gì?

Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng khi mới bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần, bao gồm vàng da và mắt (vàng da), nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi cực độ, buồn nôn, nôn và đau bụng. Một tập hợp nhỏ của những người bị viêm gan cấp tính có thể bị suy gan cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Ở một số người, virus viêm gan B cũng có thể gây nhiễm trùng gan mạn tính mà sau đó có thể phát triển thành xơ gan (sẹo gan) hoặc ung thư gan.

6/ Làm sao để biết mình có nhiễm virus viêm gan B không ?

Cách duy nhất để biết bạn có bị viêm gan B hay không là xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu có thể xác định được bạn đang bị viêm gan B, đã bị và hiện tại đã lành hoặc chưa bao giờ bị bệnh.

Khả năng nhiễm trùng trở thành mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi mà một người bị nhiễm bệnh. Trẻ em dưới 6 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B có khả năng bị nhiễm trùng mãn tính cao nhất.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ em :

+ 80% - 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong năm đầu đời

+ 30% - 50% trẻ em bị nhiễm bệnh trước 6 tuổi

Ở người trưởng thành :

+ Ít hơn 5% những người khỏe mạnh bị nhiễm bệnh khi trưởng thành

+ 20% - 30% người trưởng thành bị nhiễm bệnh mạn tính sẽ bị xơ gan và / hoặc ung thư gan.

nguyen-nhan-gay-viem-gan-tam-tri-nha-trang

7/ Ai cần xét nghiệm kiểm tra viêm gan B và biện pháp phòng ngừa ?

Vắc-xin viêm gan B là hoạt động chính trong việc phòng ngừa viêm gan B

+ Tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ

+ Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi mà chưa được tiêm phòng trước đó nên được chủng ngừa

+ Tất cả phụ nữ mang thai đều cần sàng lọc viêm gan B. Bởi vì nếu biết được người mẹ mang virus HBV thì có thể dự phòng lây truyền cho con bằng cách tiêm vaccine và HBIG đúng lúc.

+ Trong gia đình có người bị nhiễm HBV hoặc người có quan hệ tình dục với người bị viêm gan B đều có nguy cơ cao lây nhiễm.

+ Những người bị một số bệnh như HIV, phải điều trị hóa trị hoặc lọc máu cũng cần sàng lọc viêm gan B và tiêm vaccine nếu cần.

+ Những người phải tiêm thuốc thường xuyên cũng có nguy cơ cao nhiễm HBV, do đó cần xét nghiệm để phát hiện bệnh kịp thời hoặc nếu chưa bị thì có thể tiêm vaccine phòng ngừa.

+ Nam giới có người tình đồng giới cũng có nguy cơ cao nhiễm HBV.

+ Những người thường xuyên yêu cầu máu hoặc các sản phẩm máu, bệnh nhân chạy thận và người được ghép nội tạng

Như vậy việc xét nghiệm sàng lọc không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm để có biện pháp điều trị thích hợp cho bản thân mà còn giúp giữ gìn sức khỏe cho người nhà, tránh lây nhiễm cho người nhà và cộng đồng.

8/ Điều trị viêm gan B như thế nào?

Đối với các trường hợp viêm gan B cấp, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ, uống đủ nước và theo dõi sát về mặt y tế. Một số trường hợp nặng có thể cần phải nhập viện điều trị.

Những người bị viêm gan B mạn tính thì cần đánh giá đầy đủ các vấn đề về gan và các tình trạng sức khỏe chung. Việc theo dõi như thế nào, có điều trị thuốc kháng virus hay không phụ thuốc nhiều yếu tố, không phải ai cũng giống nhau; do đó bệnh nhân nên gặp một bác sĩ chuyên khoa hiểu biết sâu về bệnh để được tư vấn tốt nhất. Các biện pháp điều trị hiện tại có thể giúp làm chậm, ngăn ngừa các ảnh hưởng lên gan của bệnh.

9/ Lời khuyên của bác sĩ

Do vấn nạn lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, tỷ lệ mắc bệnh lý gan mật ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là viêm gan B, mọi người dân cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm virut viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan cần tập thể dục và thể thao hàng ngày, hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn vì rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý, giảm mọi căng thẳng (stress), mọi áp lực liên quan đến công việc, cuộc sống, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể.

Bệnh nhân đang bị tăng men gan cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan, uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

 


Phòng thông tin y khoa - Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang